Việc ứng dụng các dòng men vi sinh trong nuôi trồng thủy sản, nhất là men vi sinh nuôi tôm đã dần thay thế hóa chất, chất kháng sinh trong quá trình nuôi tôm. Đây là hướng đi mới, hữu ích, được bà con sử dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả tích cực nhất định trong ngành nuôi tôm hiện nay. Tuy nhiên, không phải lúc nào men vi sinh khi sử dụng cũng mang đến hiệu quả tuyệt đối. Nếu dùng không đúng lúc sẽ rất lãng phí và gây hậu quả không mong muốn. Vậy đâu là thời điểm sử dụng vi sinh tốt nhất trong nuôi tôm?
Đâu là giai đoạn tốt nhất để sử dụng vi sinh trong ao nuôi tôm?
Hiện nay, giai đoạn tốt nhất để sử dụng vi sinh trong nuôi tôm là ngay từ đầu vụ nuôi. Có thể tính từ khoảng lúc trước khi thả giống và sau khi thả giống khoảng 7 ngày. Tại sao bạn cần chú ý đến hai thời điểm này, bởi:
– Trước khi thả giống:
- Sử dụng thời điểm này có tác dụng tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm quan trọng
- Gây màu của nước ở màu trà nhạt và đồng thời dễ ức chế và tiêu diệt các vi sinh vật có hại.
– Giai đoạn 7 ngày sau khi thả nuôi:
- Sau 7 ngày nuôi, tôm mới có thể thích nghi dần với môi trường ao nuôi, cho nên trong thời điểm này bà con nên bổ sung vi sinh xử lý nước ao nuôi để hỗ trợ tôm phát triển khỏe mạnh hơn về sau.
- Trong giai đoạn tôm phát triển, lượng thức ăn bổ sung mỗi ngày càng tăng lên, tôm chỉ hấp thu 30% lượng thức ăn, còn 70% sẽ thải ra từ phân, kết hợp với lượng thức ăn thừa sẽ gây ô nhiễm nước ao nuôi. Do đó giai đoạn này vẫn phải duy trì bổ sung vi sinh cần để liên tục quá trình xử lý.
- Sử dụng men lúc này còn hạn chế việc hình thành khí độc trong ao, tránh được tình trạng tảo phát triển quá mức, giúp duy trì lượng tảo và vi sinh vật có lợi trong ao.
Thời điểm nào trong ngày nên sử dụng vi sinh
Trong ngày, có 2 khoảng thời gian thích hợp để sử dụng vi sinh trong ao:
+ Từ 8h-10h vào buổi sáng, lúc trời mát: Thời gian này rất thích hợp để xử lý nước, cung cấp vi sinh vật có lợi trong ao nuôi, xử lý khí độc, cải thiện chất lượng nước. Do lúc này oxy hòa tan trong ao ở mức cao nhất nên rất thích hợp để các chủng vi sinh vật dị dưỡng có ích phát huy hết tác dụng. Vào ban ngày tảo hấp thụ nhiều CO2 và nhả ra khí Oxy còn vi sinh thì ngược lại, nên đây cũng là thời điểm rất tốt để có thể gây tảo cho ao nuôi.
+ Thời điểm 18h – 20h tối: Đây là lúc thích hợp để cắt tảo do đây là thời điểm tảo yếu nhất trong ngày. Bởi vào ban đêm, tảo lấy nitơ hữu cơ từ phân tôm và thức ăn dư thừa làm chất dinh dưỡng, do đó việc đánh vi sinh vào thời điểm này sẽ cạnh tranh nguồn dinh dưỡng với tảo, khiến tảo bị cắt nguồn thức ăn đột ngột dẫn đến chết. Bên cạnh đó, thời điểm này còn hỗ trợ rất tốt cho các chủng vi sinh vật tự dưỡng (bởi chủng này rất nhạy cảm tia cực tím/tia UV xuất hiện vào ban ngày).
Nguyên tắc sử dụng vi sinh trong ao nuôi
Để vi sinh hoạt động hiệu quả, xử lý tối ưu, bà con nên lưu ý các nguyên tắc sau:
+ Tránh sử dụng và làm dụng quá nhiều kháng sinh và hóa chất diệt khuẩn trong ao nuôi. (Tham khảo cách sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm)
+ Dùng với hàm lượng vi sinh vừa đủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc chuyên gia có kinh nghiệm sử dụng. Cách “Dùng càng nhiều càng tốt” là quan niệm hoàn toàn sai khi sử dụng vi sinh trong ao nuôi. (Tham khảo: Cách sử dụng vi sinh trong nuôi tôm)
+ Nên kết hợp thêm dinh dưỡng như rỉ đường và sục khí ao nuôi mạnh 2-4 giờ trước khi sử dụng men vi sinh để tăng sinh khối vi sinh vật.
+ Tránh sử dụng vi sinh trong lúc trời nắng gắt làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động
+ Có thể định kỳ xử lý vi sinh để duy trì mật độ vi sinh vật có lợi, kiểm soát chất lượng nước và đáy ao, ổn định các yếu tố môi trường ao nuôi, ngăn ngừa vi khuẩn gây bệnh, tảo độc và mầm bệnh tiềm ẩn.
Hiệu quả sử dụng vi sinh bị ảnh hưởng bởi những yếu tố nào?
– Oxy hòa tan: Vi khuẩn hiếu khí (Bacillus) và vi khuẩn hiếu khí nghiêm ngặt (VK Nitrate) cần phải đảm bảo đủ lượng oxy hòa tan để hoạt động hiệu quả. Khi hàm lượng oxy hòa tan thấp, hiệu quả sử dụng vi sinh bị giảm rất nhiều. (Tham khảo cách quản lý oxi hòa tan trong ao nuôi)
– Độ kiềm, độ mặn: nước có độ kiềm khoảng 80-150 mg/l CaCO3 thì có giá trị pH ổn định, nước có độ kiềm ≤ 50 mg/l CaCO3 sẽ gây biến động pH, dẫn đến hiệu quả vi sinh thấp. Độ mặn vượt mức có thể phân hủy hoặc ức chế sự phát triển của vi sinh vật. (xem cách quản lý độ mặn ao nuôi tôm)
– Thời tiết: Ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của tảo và màu của nước, từ đó tác động đến hiệu quả sử dụng vi sinh trong ao. Cho nên men vi sinh mới thường được sử dụng vào buổi sáng lúc trời mát.
– Dinh dưỡng: Chẳng hạn như bổ sung thêm vitamin C, để hỗ trợ quá trình nitrat hóa, khử N-NH3 thành NO3 hiệu quả.
Trong quá trình nuôi, tôm thường mắc nhiều loại bệnh do tác động môi trường, nguồn dinh dưỡng. Vì vậy, bổ sung Vitamin C cho tôm là một trong những yếu tố thiết yếu giúp tôm tăng trưởng, khỏe mạnh và kháng bệnh, nhất là giai đoạn chuyển mùa. Việc bổ sung Vitamin C cho tôm là rất cần thiết và quan trọng nhằm mang lại cho người nuôi hiệu quả và lợi ích kinh tế
Lợi ích khi sử dụng vi sinh vào đúng thời điểm
Đối với tôm, nếu ao nuôi sử dụng men vi sinh trước khi thả nuôi, sẽ hỗ trợ tôm sinh trưởng khỏe mạnh, phát triển tốt hơn, sức đề kháng được cải thiện rõ rệt so với ao không sử dụng men vi sinh. Bởi men vi sinh hoàn toàn an toàn cho tôm nuôi, không độc hại như các loại hóa chất, kháng sinh khác.
Một lý do quan trọng nữa là men vi sinh có chứa các vi sinh vật có lợi có tác dụng tiêu diệt mầm bệnh do vi khuẩn có hại gây ra, từ đó giúp tôm tránh được nhiều loại mầm bệnh nguy hiểm.
Ngoài ra, việc sử dụng men vi sinh kết hợp việc cho ăn còn giúp tôm cải thiện hệ tiêu hóa đường ruột, tôm hấp thu tốt các chất dinh dưỡng trong thức ăn.
Sử dụng men vi sinh không những không gây lãng phí, dư thừa mà còn giúp ao nuôi luôn tăng số lượng vi sinh vật có lợi trong suốt mùa vụ nuôi. Hạn chế tối đa việc hình thành khí độc và giảm vi khuẩn gây hại.